Ôn tập môn Toán, khó và dễ
Qua các năm tuyển sinh có thể nhận thấy đề thi môn Toán không đánh đố nhưng có sự phân hóa học lực của thí sinh.
Do đó để có thể dành được điểm cao môn Toán thí sinh cần có một chương trình ôn tập hợp lý.
Để ôn tập tốt môn Toán, trước tiên thí sinh cần đưa ra một kế hoạch ôn tập hợp lý để tránh bị sức ép vào những ngày cuối trước kì thi. Kinh nghiệm ôn tập môn Toán là ngay từ đầu thí sinh tăng cường đầu tư ôn tập để càng về sau càng giảm cường độ ôn tập. Khi cách ngày thi còn khoảng nửa tháng thì thí sinh chủ yếu chỉ đọc lại, tái hiện và sắp xếp kiến thức một cách hệ thống để vào phòng thi mà thôi chứ không học dồn học ép.
Tập trung ôn tập kỹ kiến thức trong chương trình SGK
Theo Th.S Trần Nguyên, giảng viên trường ĐH Kinh tế Công nghiệp, một người có kinh nghiệm trong việc dạy Toán thì việc thí sinh chỉ tập trung vào các sách tham khảo để giải đề mà không tập trung vào chương trình học. Đây là một sai lầm.
Như chúng ta đã biết, đề thi ĐH, CĐ có khoảng 70% kiến thức chương trình lớp 12. Do đó, thí sinh đừng quá tham lam giải đề trong các sách tham khảo, mà hãy tập trung ôn tập kỹ chương trình của sách giáo khoa.
Thầy Nguyên cho rằng, để ôn tập môn Toán tốt thì trước tiên phải nắm vững lý thuyết của từng phần, từng chương, làm hết những bài tập trong sách giáo khoa từ dễ đến khó và nắm vững các dạng bài toán của từng phần từng chương.
Nhiều thí sinh cho rằng, những bài toán này đã được thầy giảng trên bảng, không cần phải xem lại, hoặc chỉ làm lại những bài toán khó, còn những bài dễ thì bỏ qua.
“Theo tôi thì chính những bài dễ sẽ giúp thí sinh có được kỹ năng, phương pháp và có cái nhìn tổng thể để sau này có thể giải được những bài tập khó. Đôi khi những bài toán dễ, nhưng khi vào phòng thi, thí sinh lại bị lúng túng vì những dạng bài này không được xem lại trong quá trình ôn tập”, thầy Nguyên nhận định.
Đến “lò luyện”, điều không cần thiết!
Theo thầy giáo Nguyễn Thượng Võ một người có kinh nghiệm giảng dạy môn Toán lâu năm, cựu giáo viên trường Hà Nội Amsterdam thì việc thí sinh đỗ đến các lo luyện sẽ mất 3 thứ đó là tiền bạc, thời gian và sức lực.Thí sinh cũng chỉ được ba điều: Kiến thức cơ bản, cách trình bày và tốc độ làm bài. Việc đến với các trung tâm luyện thi cũng chỉ là rèn luyện kỹ năng này.
Do đó thí sinh không nhất thiết phải tới các trung tâm luyện thi mà vẫn có thể hệ thống hóa kiến thức và đạt được những điều trên thông qua việc làm nhiều bài tập.
Thầy Võ cũng cho rằng, việc tham khảo quá nhiều sách sẽ làm thí sinh bị “loạn” kiến thức. Do đó, không cần mua sách gì cao siêu, chỉ cần mua đúng SGK của nhà nước, đặc biệt là 3 cuốn sách bài tập Toán lớp 10, 11, 12.
Theo thầy Võ, thì nhiều thí sinh khi dự thi ĐH lầm tưởng chỉ có kiến thức lớp 12 nên đã chủ quan không ôn tập kiến thức lớp 10 và 11. Tuy nhiên thực tế đề thi ĐH có khoảng 30% kiến thức dành cho chương trình lớp 10 và 11.
“Tôi khuyên các em nên học theo sách bài tập vì trong sách có hướng dẫn và đáp số sẵn. Khi làm xong các em có thể đối chiếu cách làm và kết quả để đánh giá khả năng làm bài của mình. Nếu khó hiểu và bí quá thì có thể nhờ bạn bè, thầy cô giảng giúp”, thầy Võ tâm sự.
Đừng ôn tập “quá tham”
Theo kinh nghiệm của thầy Nguyên và thầy Võ thì nếu còn thời gian, thí sinh nên tham khảo một số sách giải đề toán để qua đó biết thêm một số phương pháp khác phục vụ cho việc giải đề thi.
Nhưng một điều thí sinh cần nhớ là khi đọc sách tham khảo, thí sinh cần chọn lựa kiến thức, không nên tham lam, đầu tư thời gian quá nhiều vào những bài toán quá khó, quá nhiều mẹo, kiến thức vượt xa chương trình phổ thông.
Nếu nhìn tổng quát đề thi thì những bài toán quá khó sẽ không chiếm quá nhiều, nếu có thì chỉ tối đa là 1 điểm. Và việc đưa ra câu hỏi khó này là nhằm phân loại thí sinh mà thôi. Do đó, thí sinh đừng tham 1 điểm “nâng cao” này mà hay cố gắng kiếm 9 điểm trong tầm tay. Để thực hiện được điều đó thì thí sinh nên chủ yếu tham khảo những bài toán cơ bản.
“Khi ôn tập, việc ghi chép nhiều đối với các công thức khó là rất quan trọng vì nó làm cho thí sinh nhớ lâu và khi cần sử dụng công thức nào sẽ không còn bị lúng túng hay phải chứng minh lại.
Khi ôn tập, thí sinh nên ôn tập theo từng chuyên đề riêng lẻ để dễ nhớ, dễ làm bài. Giải các bài toán theo trình tự từ cơ bản đến nâng cao, không nên bắt tay vào làm ngay những bài toán dạng tổng hợp, điều đó không giúp thí sinh nhìn được tổng thể vấn đề. Hãy ôn tập theo từng chuyên đề rồi mới bắt tay vào tổng hợp”, thầy Nguyên chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, thầy Võ trao đổi thêm: “Theo tôi thì do thời gian ôn tập không còn nhiều nên các em không nên ôn tập “tham”. Học sinh nên luyện tập ở những phần mình chưa yên tâm, đừng học nhiều phần lan man, như vậy sẽ không hiệu quả mà còn làm rối đầu đâm ra mệt mỏi.
Các em nên tập trung giải các đề thi liên quan đến phần mình yếu kém, giải nhiều dạng bài tập để làm quen với nhiều dạng toán, có như vậy khi đi sẽ không bị bối rối về đề thi.”
Nguyễn Hùng (ghi)
(Nguồn: Dân Trí)